ĐÔI LỜI TÂM TÌNH

"Hãy yêu bố mẹ mình thật lòng, và thật nhiều. Bởi sẽ có lúc, bạn không còn cơ hội để yêu họ nữa. Lúc đó, bạn sẽ thấy sự mất mát là không thể lớn hơn. Bố mẹ như gốc cây, và con cháu sẽ tụ về dưới tán cây đó. Khi cây mất đi rồi, con cháu không còn tán cây để tụ tập. Họ sẽ tản đi mọi nơi và lại làm tán cây cho chính con cháu họ tụ tập. Còn bố mẹ là còn quê, khi bố mẹ mất rồi, thì quê hương chỉ còn trong ký ức. Người ta nói "Mẹ là Quê hương" là vì thế. Còn bố mẹ, Tết bạn sẽ còn có nơi để về. Còn khi đã mất bố mẹ rồi, tết cũng chả còn nhiếu ý nghĩa..." Ngô Bá Lục.

Trung Đài Thiền Tự tại Đài Trung, Đài Loan


Trung Ðài Thiền tự được Đại Lão Hòa Thượng Duy Giác khai sơn, hiện do Thượng Tọa Kiến Đăng trụ trì.  Ngôi thiền tự đã được khởi công xây dựng vào năm 1992 và đã được hoàn tất vào tháng 9 năm 2001.
Hòa thượng Duy Giác

Xung quanh ngôi thiền tự có tất cả là 3 khu vườn rất đẹp.  Một khu gọi là vườn Lộc Uyển, nơi kỷ niệm Ðức Phật chuyển bánh xe Pháp luân lần đầu tiên.  Kế đó là vườn Hoa Nghiêm, nơi được trồng những loại hoa và cây quý hiếm, và cuối cùng là vườn Bồ Ðề, nơi có thể tìm thấy nhiều tượng Phật được mang về từ khắp các nước ở Á Châu.  Ðặc biệt là bên trong những khu vườn có một chỗ riêng biệt dựng hai cái chuông để cho những ai muốn đến nơi đây thỉnh chuông và thành tâm phát nguyện.  Khách hành hương cũng có thể ngồi tỉnh tâm để lắng lòng nghe những tiếng chuông ngân vang từ khu vườn này.

Nhìn từ xa, điện Phật chính của Trung Ðài Thiền Tự trông giống như hình ảnh của một hành giả đang ngồi thiền trong tư thế kiết già.  Toàn bộ kiến trúc của ngôi Thiền Tự này đều thể hiện một sự hài hòa giữa nghệ thuật, văn hóa, khoa học và những giáo lý của Ðức Phật.

Nét nổi bật và đặc thù nhất của ngôi thiền tự là lối kiến trúc một trụ tháp thẳng đứng cao chót vót phía trên cấu trúc vòm bằng vàng chói sáng trên đỉnh của đại hùng bảo điện mà thoạt nhìn trông giống như những bảo tháp được xây dựng theo kiến trúc của Tây Tạng.

Trụ tháp này là biểu tượng của sự đốn ngộ chân lý tuyệt đối.  Dọc theo hai bên của thiền tự là những bậc tam cấp, biểu đạt cho sự thực hành miên mật sáu pháp Ba La Mật của hàng bồ tát.  Mỗi một nấc thang dẫn đến một mức độ giác ngộ cho tất cả chúng sanh trong lộ trình hướng đến quả vị Phật.



Chúng tôi được biết là ngôi thiền tự này gồm có 16 tầng khác nhau.  Ðoàn chúng tôi tiến bước vào tầng thứ nhất.  Tầng này được gọi là Tứ Đại Thiên Vương đường, tức là 4 vị vua trời luôn luôn có mặt tại các già lam để bảo vệ và ủng hộ Chánh Pháp.  Bước vào đây chúng ta có thể thấy ngay ở bốn góc là bốn vị Thiên Vương và ở giữa là một bức tượng Di Lặc bằng vàng sáng rực.  Ngoài ra, bên hông của điện này tôn trí những pho tượng của 18 vị A La Hán.

Tầng thứ hai là Ðại Hùng Bảo Điện được tôn trí tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ngồi rất lớn bằng đá màu hồng rất trang nghiêm ngay ở giữa chánh điện.  Tôn tượng Phật màu hồng này được bao bọc xung quanh bởi một vòng tròn đá xám mà khắp nơi trên đó đều có chạm trổ những hình Phật Bồ Tát nhỏ ngồi trong tư thế kiết già làm cho Phật tử khắp nơi đến đây chiêm ngưỡng, đảnh lễ đều có một cảm giác an bình, thanh tịnh và dường như nơi đây đang tỏa ra lòng từ bi vô tận của Ðức Thế Tôn đối với tất cả chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ.

Ở hai bên của tôn tượng Bổn Sư là tượng của Ngài A Nan và tượng Ngài Ca Diếp trông rất đẹp và thanh thoát.  Ðoàn chúng tôi được quý sư cô trong chùa này trao tặng mỗi người một hoa sen dâng cúng lên Ðức Từ Tôn.

Tầng cao nhất của ngôi thiền tự là Vạn Phật Bảo Ðiện.  Ðây là ngôi bảo điện rất đặc biệt; bên trong chánh điện có xây dựng một bảo tháp bằng gỗ teawood bảy tầng ở giữa và 20,000 tượng Phật Dược Sư ở xung quanh những bức tường.

Bên trong tòa bảo tháp này lại có 7 tượng Phật Dược Sư và 500 tượng A La Hán, và bên ngoài của bảo tháp có khắc bản Kinh Kim Cang.  Chính nơi đây là biểu tượng của ba ngôi báu, Phật Pháp Tăng.  Một nét kiến trúc đặc trưng của ngôi bảo điện này là hai bên của nó đều có một cửa kiếng rộng lớn luôn có những ánh đèn điện chiếu sáng vào ban đêm, và xuyên qua đó chúng ta có thể nhìn thấy ngôi bảo tháp ở bên trong vào ban đêm.

Người ta nói rằng chính những tia sáng phát ra từ ngôi bảo điện này vào ban đêm chính là một dấu hiệu làm thức tỉnh những chúng sanh đang trôi lăn theo dòng sanh tử trở về với ánh sáng tuệ giác.

Ngoài ra khắp nơi trong Trung Ðài Thiền Tự đều có những phòng thiền để khách thập phương có thể tập thiền và rất nhiều nét đặc biệt khác của ngôi chùa này mà chúng tôi không có thể kể lại hết ở nơi đây.
Có thể nói, Trung Ðài Thiền Tự này không những đã đánh dấu một sự thành công đáng kể về mặt nghệ thuật kiến trúc phối hợp với biểu tượng văn hóa khoa học và Phật Giáo, mà còn mở ra một kỷ nguyên mới, một nét khác biệt về con đường hoằng pháp của thế kỷ 21 này. 

Trung Ðài Thiền Tự hiện có trên 90 Trung Tâm chi nhánh tại Đài Loan và khắp mọi nơi trên nước Mỹ cũng như các nước Á Châu khác như Phillipines, Thái Lan, và Hồng Kông để nhằm đáp ứng nhu cầu về học hỏi và thực hành giáo pháp của Ðức Phật một cách tiện lợi và thiết thực hơn cho hàng ngàn những Phật tử từng vùng địa phương.

Có thể nói Trung Ðài Thiền Tự ngày nay đã trở thành một niềm tự hào cho Phật Giáo Ðài Loan nói riêng và cho Phật Giáo thế giới nói chung.  Nó đã góp phần bảo tồn mạng mạch của Chánh Pháp và đem những bàn tay phục vụ đi sâu vào đời sống của mỗi người

Xem video giới thiệu rất hay về công trình kiến trúc phật giáo vĩ đại và tiên tiến bậc nhất tại Đài Loan.

0 nhận xét: