Người ta thường đồn đãi, nhắc nhở “tu mau kẻo trễ”, vì hội Long Hoa đã mở rồi. Nhưng thật ra chẳng ai biết hội Long Hoa thế nào thì làm sao có thể đến dự được?!!
Hội Long Hoa là pháp hội của Phật Di Lặc. Theo lời huyền ký của đức Thích Ca Mâu Ni, sau khi đức Di Lặc thành đạo dưới cội Long Hoa, Ngài thuyết pháp ở đây độ vô lượng vô biên đại chúng.
Các vị khuyên chúng ta “tu mau kẻo trễ” thì hay, nhưng quan niệm vệ đức Phật tương lai như thế là không đúng với kinh tạng đã nói. Đức Phật Di Lặc ra đời cũng trong thế giới Ta-bà, nhưng qua kiếp tăng và giảm mới. Bây giờ thế giới chúng ta đang trong kiếp giảm, cứ mỗi thế kỉ (100 năm) giảm một tuổi thọ. Cứ thế giảm dần cho tới chừng nào con người chỉ còn sống 10 tuổi thôi thì chúng ta thọ nạn tam tai. Qua hết nạn này, tuổi thọ chúng sanh bắt đầu tăng trở lại. Mỗi kỉ tăng một tuổi, cứ thế tăng dần từ 10 tuổi cho đến 84.000 tuổi, rồi lại giảm cho tới 80.000 tuổi thì đức Phật Di Lặc mới ra đời.
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của chúng ta khoảng 60, 70 tuổi. Như vậy, tính từ đây đến lúc còn 10 tuổi đã là rất lâu, huống là tuổi thọ tăng lên từ 10 tuổi cho đến 84.000 tuổi, rồi lại giảm xuống 80.000 tuổi thì thời gian quá lâu. Thế nhưng, vẫn có nhiều người tin và đồn rằng năm 2000 tận thế, lại tiếp đến 2012 vừa rồi, hội Long Hoa ra đời! Nhưng quý vị có thấy tận thế chưa, hội Long Hoa ra đời ở đâu? Phật tử học Phật phải chánh tín, không nên tin càn tin bậy làm sai lệch giáo lý Phật dạy, gây hoang mang lo sợ.
Vào lúc tuổi thọ của con người chỉ còn 10 tuổi, tức vào giai đoạn cuối kiếp giảm thì chúng sanh trong thế giới này phải chịu nạn tiểu tam tai. Đó là nạn cơ cẩn, nạn dịch khí, nạn đao binh. Theo Du Già Sử Địa, lúc nhân thọ giảm còn 30 tuổi, có nạn cơ cẩn tức đói khát kéo dài hơn 7 năm. Thời gian này rất lâu mới có một cơn mưa, ngũ cốc không sanh trưởng, loài người chết vô số, xương trắng đầy đồng. Qua loạt chết chóc kinh khủng này, những kẻ còn sống khởi lòng nhàm chán, ăn ăn, sám hối, tại nạn đó mới dứt. Lúc nhân thọ giảm còn 20 tuổi, do loài người lui sụt tâm nhàm chán ăn năn trước kia, lần lần làm ác nên có tai nạn dịch khí tức bệnh truyền nhiễm nổi lên trải qua hơn 7 tháng. Thây chết ngổn ngang khắp đường sá, đồng hoang, không ai chôn cất. Khi ấy, mọi người lại tiếp tục ăn năn nghiệp ác mình đã tạo nên chịu khổ như vậy và quay đầu hướng đạo, khởi lòng sám hối, nạn dịch khí tiêu tan. Nhân thọ giảm chỉ còn 10 tuổi, nhân loại dần dần quen những cảnh khổ trước, trở lại tạo thập ác thêm nhiều, tai nạn đao binh ập đến. Trước tiên, các nước đem binh đánh giết lẫn nhau, trong gia đình cha mẹ, anh em, vợ chồng, … luôn tranh cãi xào xáo. Đến lúc kiếp mạt, thế lực của nghiệp ác mạnh mẽ, cùng cực, trong vòng 7 ngày, loài người như mê cuồng, điên đảo, không tự chủ, bất kể tay cầm phải thứ gì gậy gộc, ngói, đá, dao, … tất cả đều hóa ra đao kiếm, không luận thân sơ, quyến thuộc, hễ gặp mặt là tàn sát nhau đến cực độ. Xác chết chất chồng, màu máu nhuộm đỏ cả thôn làng, sông rạch. Qua 7 ngày này, nghiệp sát tiêu tan, còn một số người ẩn nơi hang sâu, núi thẳm chuyên tâm tu hành là sống sót. Lúc bấy giờ, vì chứng kiến cảnh tượng thê thảm nên con người ăn năn cực độ, chí thành sám hối, phát tâm tu hành, nạn đao binh mới chấm dứt. Từ đó, họ bắt đầu giữ giới trở lại nên tuổi thọ tăng dần từ 10 tuổi cho tới 84.000 tuổi, thời gian sống như kiếp giảm. Rồi nhân thọ lại giảm xuống cho tới 80.000 tuổi thì đức Phật Di Lặc ra đời.
Thời mạt pháp chúng sanh phần nhiều giải đãi, không siêng tu nên rồi phải thọ nạn như thế. Như chúng ta thấy, thời nay kinh sách rất nhiều, in đẹp, tủ kinh cũng đẹp nhưng chỉ trưng bày để ngó, rất ít người đoái hoài đến nghiên cứu, tham khảo. Họ có rất nhiều lí do như bận rộn, gia đình con cái, công ăn việc làm, còn trẻ tuổi tu gì cho sớm, kinh toàn chữ Hán, … Những bản kinh đã chuyển Việt ngữ thì lại không hay, không có lực, đủ muôn vàn lí do. Còn người đã đọc, thọ trì tụng niệm kinh, hiểu và ứng dụng được lại còn hiếm hơn. Mạt pháp là như thế chứ không phải mạt pháp là không có kinh hay Phật đã nhập diệt. Quan trọng là chúng ta phải tìm tòi, học giáo lý, nghiên cứu, thọ trì và ứng dụng vào thực tiễn mới thấy sự vi diệu của lời Phật dạy.
Đức Phật Di Lặc thành đạo dưới cội Long Hoa. Pháp hội của Ngài có chư Bồ-tát, Thánh chúng, Trời người tham dự đông vô kể. Chúng ta cố gắng nổ lực tu tập, nếu chưa thành tựu Phật quả trong thời Phật Thích Ca, hy vọng rằng có thể ghi danh vào Pháp hội Long Hoa của đức Phật Di Lặc. Khi nói đến đức Phật Di Lặc ta liền nghĩ đến hạnh hỷ xả của Ngài, với trí tuệ uyên thâm là bậc giác ngộ mà chúng ta cần phải nương theo hạnh nguyện ấy.
0 nhận xét: