ĐÔI LỜI TÂM TÌNH

"Hãy yêu bố mẹ mình thật lòng, và thật nhiều. Bởi sẽ có lúc, bạn không còn cơ hội để yêu họ nữa. Lúc đó, bạn sẽ thấy sự mất mát là không thể lớn hơn. Bố mẹ như gốc cây, và con cháu sẽ tụ về dưới tán cây đó. Khi cây mất đi rồi, con cháu không còn tán cây để tụ tập. Họ sẽ tản đi mọi nơi và lại làm tán cây cho chính con cháu họ tụ tập. Còn bố mẹ là còn quê, khi bố mẹ mất rồi, thì quê hương chỉ còn trong ký ức. Người ta nói "Mẹ là Quê hương" là vì thế. Còn bố mẹ, Tết bạn sẽ còn có nơi để về. Còn khi đã mất bố mẹ rồi, tết cũng chả còn nhiếu ý nghĩa..." Ngô Bá Lục.

Người đời nói 49 ngày mà không nói 56 ngày, 63 ngày hoặc 70 ngày là tại sao?

Người đời sau khi chết được 49 ngày, thân quyến đều lo cúng lễ, đọc kinh siêu độ để cầu cho vong linh siêu thăng, bởi lẽ:

Tới ngày 7 thì thần thức (hồn) người chết tới điện thứ nhất,
Ngày thứ 14 đến điện thứ hai,
Ngày thứ 21 đến điện thứ ba,
Ngày thứ 28 thần thức tới điện thứ tư,
Ngày thứ 35 tới điện thứ năm,
Ngày thứ 42 tới điện thứ sáu,
Ngày thứ 49 tới điện thứ bảy.

Người đời có thói quen lấy bảy ngày làm một tuần lễ để cúng bái mà thôi, còn chẳng rõ các vong hồn phần lớn lúc sống chuốc lấy tội lỗi đầy mình cho nên phải mất tới 49 ngày mới có thể đi qua hết bảy điện. Rồi sau đó lại còn trải qua thêm các điện số tám, số chín và số mười, xong mới đầu thai cõi khác. Cho nên việc cúng bái sau khi chết không thể giống như việc làm lành lúc còn sống. Lúc sống nếu như biết tu nhân tích đức, sau khi chết ắt chiêu cảm được Phúc Thần dẫn đường, chẳng cần cúng bái vẫn có thể đi đây đi đó tự do. Trái lại, dù cho có mời thầy pháp tài giỏi tới cúng bái linh đình cũng chẳng thể thoát khỏi cửa địa ngục, điểm này mong mỏi người đời nhớ cho.

Từ điện thứ nhất đến điện thứ bảy là các điện chủ yếu ở âm phủ, còn từ điện thứ tám trở đi chỉ là xử phạt các tội còn lại của những tội hồn vi phạm quá nhiều tội lỗi. Do đó có những trường hợp đã qua khỏi các cửa ngục thuộc 49 ngày mà còn phải chịu thêm các tội khác ở các địa ngục kế tiếp. Người đời vì có lòng nghĩ tới tổ tiên cho nên mới dựng đàn tràng cầu siêu để cho vong hồn thoát khỏi các cửa ngục ở các điện. Lòng hiếu thảo đó thật là khả kính, tuy nhiên nếu lúc còn sống mà biết chăm lo, vun bồi lòng nhân từ mới thiết thực hơn.



Người ta sau khi chết trong thời gian còn đang chờ phán xét các tội đã phạm hoặc trước lúc được phép đầu thai, Trong đạo Nho gọi là linh hồn hay quỉ hồn. Trong lúc chờ đầu thai chuyển kiếp thì cái thân ở âm phủ mà Phật gọi là thân ở cõi âm. Muốn độ linh hồn ra khỏi chốn khổ đau, đời sau ắt phải chăm lo thực hành điều thiện đức khiến Minh Vương cũng phải động lòng mà xá miễn, đây là con đường tốt nhất để đi. Đến như rước mời được thầy pháp tuy tài giỏi nhưng thiếu đức thì cũng là làm cho nó ăn mà thôi, chứ chưa chắc được ơn ích lợi gì. Gửi lời nhắn với thế nhân hãy kịp thời thi hành đạo hiếu ngay lúc song thân hãy còn tại thế, bởi vì một hạt cơm khi sống vẫn còn hơn cả hồ rượu dâng cúng lúc đã qua đời. Song thân đã quá cố rồi thì càng phải tu hành đạo đức, ấn tống nhiều kinh sách quí để khuyên đời. Nghĩa cử này vừa dễ dàng khiến Phật pháp và quan viên ở âm phủ cảm kích, lại vừa báo đáp được ơn sâu của song thân. Đó là phương pháp vượt thoát bể khổ, hãy tận tâm tận lực thi hành.

Trích trong Địa ngục du ký của Thánh Hiền Đường du ngoạn địa ngục do Phật Sống Tế Công dẫn đường để viết sách cho người đời hiểu mà làm lành.

0 nhận xét: