ĐÔI LỜI TÂM TÌNH

"Hãy yêu bố mẹ mình thật lòng, và thật nhiều. Bởi sẽ có lúc, bạn không còn cơ hội để yêu họ nữa. Lúc đó, bạn sẽ thấy sự mất mát là không thể lớn hơn. Bố mẹ như gốc cây, và con cháu sẽ tụ về dưới tán cây đó. Khi cây mất đi rồi, con cháu không còn tán cây để tụ tập. Họ sẽ tản đi mọi nơi và lại làm tán cây cho chính con cháu họ tụ tập. Còn bố mẹ là còn quê, khi bố mẹ mất rồi, thì quê hương chỉ còn trong ký ức. Người ta nói "Mẹ là Quê hương" là vì thế. Còn bố mẹ, Tết bạn sẽ còn có nơi để về. Còn khi đã mất bố mẹ rồi, tết cũng chả còn nhiếu ý nghĩa..." Ngô Bá Lục.

Về Núi Cấm - Chùa Phật Lớn, Điện Mười Ba (Phần 5)

Buổi cơm trưa đạm bạc ở chùa Phật Lớn chỉ có nồi canh chua và củ cải mặn. Canh chua được nấu bằng đủ loại rau rừng với tàu hủ cậu Sáu mua sẵn ngoài miếu Bà Chúa Xứ, củ cải mặn cũng được mang sẵn theo rồi xào sơ lại. Vậy mà leo núi mệt và đói, tôi ăn liền bốn chén. Bụng no căng rồi nhưng miệng vẫn còn thèm. Ăn xong, tôi ra phía trước chùa ngồi hóng gió.

Gọi là chùa, thật ra chỉ lớn hơn ngôi miếu ngũ hành một chút. Phía trước chánh điện thờ chủ yếu pho tượng đức Bổn sư trong tư thế xếp bằng. Nhìn bức tượng cao gần 2m, tôi nghĩ thầm chắc tên chùa bắt nguồn từ pho tượng lớn này chăng. Sau hỏi lại cậu Sáu thì quả là vậy. Cậu cho tôi biết tên chùa Phật Lớn còn dùng để phân biệt với chùa Phật Nhỏ ở hướng Đông của núi Cấm.

Cậu Sáu là người thích kể chuyện, thấy tôi ham tìm hiểu nên cũng ngồi phệt xuống thềm cửa cạnh tôi và hắng giọng kể tiếp:
- Chùa Phật Lớn này nghe đâu được làm từ đầu thế kỉ. Nghe bà con cố cựu ở đây kể lại là do thầy Bảy Do cất lên. Thầy Bảy tên thật là Cao Văn Long, quê ở Bến Tre. Ông là một trong những người lãnh đạo cuộc nổi dậy đánh chiếm Khám Lớn Sài Gòn năm 1916. Ngôi chùa của ông xây với mục đích ban đầu là lấy đó làm trụ sở cho hội kín Thiên Địa hội. Đến năm 1917 thì ông bị giặc bắt và qui tội ông làm quốc sự.

Chùa Phật Lớn

Tôi ngẩn người ra nghe về sự tích ngôi chùa. Ở cái vùng đất linh thiêng này, mỗi ngôi chùa, vồ đá dường như ẩn chứa bao nhiêu là huyền thoại và lịch sử. Cậu Sáu kể tiếp:

- Sau khi thầy Bảy Do bị Pháp bắt, chùa Phật Lớn trở nên hoang tàn. Người có tâm đạo lấy cây làm cái trại lá để tạm che mưa nắng cho Phật tượng bởi họ nhiều lần xin phép cất cái trại thì nhà cầm quyền thời đó cũng nhất quyết không cho. Mãi sau này có ông Hương Quản Lầu ở Mĩ Tho phát tâm xây một cái am che mưa che nắng cho tượng Phật. Trải qua mấy trào Pháp, Mĩ ngôi chùa mới được như hôm nay…

Tượng đức Bổ Sư Thích Ca do thầy Bảy Do tạo tác

Cậu Sáu im lặng, tôi cũng lặng im nhìn ra khoảng không gian trước mặt, lòng đầy cảm khái. Vạn vật vô thường, chùa miễu cốt tượng cũng theo cái vô thường ấy mà sinh diệt. Ngồi trước pho tượng Phật, nhân chứng của thời gian, tôi mơ màng nghĩ đến những người trong quá khứ. Không biết bây giờ họ ở nơi đâu? …
Còn đang bâng khuâng chìm đắm trong suy tư, bỗng một tiếng tằng hắng vang lên từ sau lưng làm hai cậu cháu giật bắn mình. Quay lại phía sau, một sư sĩ gầy gò mặc bộ bà ba màu đen, trạc ngoài bốn mươi, tóc búi ra sau, râu ba chòm đen nhánh đang nhìn cậu Sáu tươi cười. Dường như gặp lại cố nhân, cậu Sáu đứng nhanh dậy nắm chặt tay vị cư sĩ kia vồn vã:

-         Mô Phật, sư huynh vẫn mạnh giỏi?
-         Ừ, vẫn khỏe. Vậy chứ huynh lên núi hồi nào?

-         Cũng mới đến gần trưa nay. Vừa ăn xong, định xuống thăm huynh đây…

Chuyện vãn đôi câu, cậu Sáu đi theo vị cư sĩ nọ về nhà. Dĩ nhiên là tôi cũng được tháp tùng.

Ngôi nhà của vị cư sĩ nọ ở dưới triền núi. Một ngôi nhà lá ba gian đơn sơ. Gian giữa là phòng tiếp khách với phía trên là  trang thờ trần điều và hình Phật Thầy Tây An. Cái bàn tre đơn sơ mà vững chãi.

Tôi không biết vị cư sĩ tên gì, chỉ nghe cậu Sáu gọi huynh nên tôi cũng gọi đại bằng cậu. Nhà của cậu có ba thằng con trai. Thằng lớn trạc tuổi tôi tên Phi Vân, thằng giữa là Phi Hổ và thằng Út là Phi Kiếm. Ba cái tên sặc mùi kiếm hiệp làm tôi cũng thấy thú vị. Trong ba đứa, tôi mến nhất là Phi Kiếm. Nó gầy gò như cha nhưng đôi mắt lanh lợi có thần, tay chân nhanh nhẹn. Tôi cũng không ngờ nó là người dẫn đường cho tôi đến Điện Mười Ba sau đó…

Sở dĩ gọi là Điện Mười Ba vì hang đá này có tổng cộng mười ba tầng thông suốt với nhau. Người ta nói, ai đến núi Cấm mà không viếng Điện Mười Ba thì xem như chưa được tái sinh. Lúc đầu tôi không hiểu lắm cho đến khi chính mình trải nghiệm qua…
Nhờ cậu Sáu ngỏ lời mà tôi được thằng Phi Kiếm dẫn đường. Tôi nhớ lúc đó tôi phải theo thằng nhỏ vượt qua hết trảng này đến đồi khác, leo qua từng gộp đá lớn mệt đến bở hơi tai mới đến Điện Mười Ba. Lúc này, ở trước điện cũng có ba người đang đứng tần ngần. Thì ra họ muốn được vào viếng điện nhưng không ai hướng dẫn. Biết chúng tôi định tham quan nên họ muốn tháp tùng. Hai người đi sau tôi hình như là hai cha con. Nghe họ nói chuyện, tôi biết họ là người Hoa bán thuốc Bắc ở Chợ Lớn về núi hành hương. Người đi sau cùng là một thanh niên người nhỏ thó, đôi mắt láo liêng. Anh này cũng chung đoàn hành hương với cha con  người bán thuốc.

Cầm trong tay mẩu đèn cầy do Phi Kiếm phát, tôi vừa niệm Phật vừa lần theo từng bước chân của thằng nhỏ. Hang càng xuống càng hẹp và tối đen. Chỉ còn ánh sáng le lói của ngọn đèn cầy tôi cầm trong tay. Không khí trong hang lạnh buốt vì hơi đá. Tôi lần dò theo bóng thằng Kiếm mà tim cứ như bị ai bóp chặt. Mỗi lần dừng lại ở một tầng điện, tôi đều chắp tay hành lễ nghiêm túc. Thằng Phi Kiếm cho tôi biết, buổi tối các vị đạo sĩ ở gần đây thường chui vào động để luyện phép. Các chỗ cắm nhang là dấu tích của những lần tu luyện. Nghe kể, mấy người đứng sau tôi lắc đầu le lưỡi. Hai cha con người Hoa lại xì xồ với nhau cả tràng dài không ai hiểu. Tôi đoán là họ đang thán phục. Cứ tưởng tượng cái cảnh ngồi một mình trong hang giữa đêm khuya mà tôi lạnh cả người. Ai biết chuyện gì xảy ra trong lúc đó, chư thần, ma quỷ, rắn rít, cọp beo… Nếu để tôi ở lại trong hang kiểu này chắc là phải chào thua thôi. Tôi không ngờ, cơ duyên sau này của tôi lại có một lần ngồi trong hang núi lúc nửa đêm với đầy thử thách tâm linh…Nhưng đó lại là chuyện khác, sau này tôi sẽ kể.

Trong lòng Điện Mười Ba

Càng xuống sâu vào những tầng dưới, đường đi càng hẹp lại. Có chỗ chúng tôi phải ngửa người nằm trườn qua, có đoạn phải nằm sấp mà lách. Trong hang tối, tôi nghe tiếng thở phì phò của ông già và tiếng khóc thút thít của cô con gái. Nhưng, bên cạnh tiếng thở ấy, tôi còn nghe những âm thanh kì lạ khác. Dường như là tiếng nói của nhiều người. Những tiếng nói vang lên cứng cứng như tiếng Kh’mer hay tiếng Lèo, tiếng Thái… âm thanh ban đầu còn nhỏ, càng lúc càng to dần như đang cố bắt chuyện với tôi. Những âm ba của ngôn ngữ này từa tựa như âm thanh tôi đọc hồi sáng ở động Thủy Liêm vậy. Tai tôi bắt đầu nghe o o như ve kêu, người tê rần. Chết cha! Bị áp điển rồi. Hoảng quá, tôi vội vàng định thần quán tưởng tứ tung ngũ hoành và đọc bài chú hộ thân mà sư phụ tôi dặn dò trước lúc đi núi. Mãi một lúc sau âm thanh mới nhỏ dần rồi mất hẳn.

Cuối cùng chuyến đi cũng trót lọt. Các bạn biết không, vừa ra khỏi cửa đá, nhìn thấy bầu trời xanh và hít được một hơi nguyên khí, tôi có mừng rỡ, cảm thấy như mình vừa thoát thai tái sinh lại lần hai. Một cảm giác lâng lâng khó tả dào dạt trong lòng không kể xiết.

Tiếng kêu ré từ trong hang vang ra. Thằng nhỏ vội lách vào xem.Thì ra ông già người Hoa bụng bự quá nên bị kẹt ở khe đá. Con bé con lại òa khóc. Thằng Kiếm bình tĩnh khuyên nhủ ông già bình tĩnh niệm Phật rồi nó kéo ra. Nghe lời, ông già niệm Phật liên hồi, trong vòng chục tiếng niệm, thằng bé con nhỏ xíu đã lôi được ông già to béo ra khỏi ngách dễ dàng. Theo sau là con gái của ông mặt mày đầm đìa nước mắt. Ông già mừng quá móc tiền mấy tờ giấy bạc cho ngay thằng nhỏ.

Nhưng chuyện chưa dừng ở đó. Trong khi chúng tôi còn đang hân hoan nói chuyện thì trong hang lại vang lên tiếng kêu cứu. Lúc này tôi mới sự nhớ đến anh thanh niên đi sau cùng chưa thấy xuất hiện. Thằng Kiếm lại chạy vào một lần nữa. Tôi cũng lấy hết can đảm luồn theo nó. Anh thanh niên bị kẹt ở tầng thứ 12. Tôi thấy cũng kì. Một ông già bụng to mà còn lọt qua được, sao anh này là thanh niên, lại nhỏ người như thế mà không chui qua được mới lạ. Thấy kéo mãi không qua, thằng Kiếm cất tiếng hỏi:
-         Anh có lấy cái gì trong điện không?

-         Không có… không có – anh thanh niên chối bây bẩy.

-         Tui hổng biết, thường là những ai lấy cái gì trong hang đều không chui qua lọt mấy khe đá. Anh hổng lấy, tui cũng hổng biết làm sao nữa.

-         Tui chỉ có lượm mấy cục đá thôi hà…

-         Trời ơi! Anh làm ơn trả lại chỗ cũ giùm tui đi. Rồi quay lại đây tui kéo anh ra.

Một lúc sau, người thanh niên xuất hiện ngoài cửa hang. Mặt mày anh ta xanh lè không còn chút máu. Hai cha con ông Tàu thấy vậy vái lia vái lịa vào hang…

 
Video giới thiệu về hành trình khám phá Hang Công Đức và Điện 13 để mọi người biết rõ hơn về điện 13 đầy huyền bí này. Ký sự này do đài truyền hình Việt Nam VTV4 thực hiện.
 
Bài viết liên quan:
Phần 1: Giấc mơ lạ
Phần 4: Vồ Ong Bướm
Phần 6: Thất Sơn Huyền Bí (Hay)
Phần 7: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
Phần 8: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
Phần 9: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
Phần cuối: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)

0 nhận xét: