Ngày đi núi, tôi có mặt rất sớm. Háo hức quá mà! Cậu Sáu xếp cho tôi chiếc ghế súp ngồi gần tài xế, cậu nói nhờ tôi ngồi trên sẵn chú nguyện cho chiếc xe thượng lộ bình an. Tôi biết là cậu nói khéo đấy thôi. Một chiếc ghế đi núi cũng mấy chục ngàn, tôi đi ké thì làm gì có phước mà ngồi ghế dựa. Chẳng quan trọng. Được về núi là vui rồi.
Ngồi trước mặt tôi là một chị độ ngoài ba mươi, nghe mọi người gọi là Út Hà. Chị là bà con xa với cậu Sáu. Sau lưng tôi là anh Huỳnh, lớn hơn tôi vài tuổi, cũng thuộc dạng linh căn đang thời kì bị hành xác. Nhìn cái mặt đen thui và đôi mắt tán thần của anh là tôi biết anh không làm chủ được mình. Anh cũng lần đầu đi núi và cũng được cậu Sáu cho một chiếc ghế súp như tôi. Anh Huỳnh lầm lì ít nói, tôi vốn cũng ít giao tiếp nên cũng chẳng hỏi han bắt chuyện làm chi.
Chặng hành trình từ Sài Gòn đến Châu Đốc kéo dài tới chiều tối mới đến. Bởi trên đường đi, bác tài xế vô tình quẹt trúng đuôi xe của một người đang chạy cùng chiều khiến anh ta loạng choạng tay lái. Thế là tức tốc, anh ta hô hoán lên rồi cùng bạn bè đuổi theo chặn đầu xe, leo lên hành hung bác tài.
Thấy có vẻ không êm, tôi cúi đầu tụng chú xả tai.
Quái! Hổng hiểu sao chú tụng không linh. Tôi càng đọc, cuộc thư hùng lại càng dữ dội, có người còn nổi điên xách cây lớn đập vào thùng xe rầm rầm làm mấy bà già trên xe sợ khiếp vía. Cuối cùng, cậu Sáu phải chạy xuống xin lỗi và bồi thường một số tiền không nhỏ họ mới cho xe đi.
Đến chỗ dừng chân châm nước xe, tôi thấy bác tài nói nhỏ gì đó với cậu Sáu. Cậu vội vã gọi anh Huỳnh tới và chỉ vào xe chỗ tôi ngồi. Anh Huỳnh lập tức chạy lên xách chiếc ghế chị Út Hà ngồi đem đi rửa. Nhìn theo chiếc ghế gỗ nhỏ bị ướt, tôi liền vỡ lẽ - chị Út Hà đang tới tháng.
Người đi xe đò liên tỉnh rất tin chuyện tâm linh, cho nên phía đầu xe họ thường đặt tượng Phật Quan Âm đã tơm phép để thờ phượng, đốt nhang. Bây giờ chỗ thờ phượng bị uế tạp, việc xui kéo đến cũng là điều dễ hiểu. Lúc này tôi mới hiểu tại sao mấy câu chú xả tai của tôi chẳng phát huy được chút gì…
Mặc dù trời đã chạng vạng, khu vực miếu Bà vẫn đông đúc nhộn nhịp như chợ Tết. Miếu Bà trang nghiêm sừng sững với hàng đèn sáng trưng, nhìn lên trên nóc miếu, khói nhang và khói vàng mã bay lên mờ ảo.
Nhắc đến truyền thuyết về ngôi miếu nổi tiếng này, truyện xưa kể lại rằng: Những năm 1820 - 1825, Quân Xiêm thường sang nước ta quấy nhiễu, cướp bóc. Mỗi khi giặc đến, người dân quanh vùng lại phải bồng bế nhau chốn chạy lên núi lánh nạn. Có lần quân giặc đuổi theo lên đến đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Chúng hì hục cậy ra, lấy dây buộc lại dùng đòn khiêng xuống núi để mang về xứ. Nhưng khi bọn chúng mới khiêng đi được một đoạn đường ngắn, lạ thay tượng Bà bỗng dưng nặng trĩu không thể nào nhấc lên được nữa. Khi đó, một tên trong bọn tức giận đập vào cốt tượng làm gãy một phần cánh tay bên trái và ngay tức khắc hắn bị Bà vật té sùi bọt mép giãy dụa như heo bị chọc tiết. Bọn còn lại hoảng hốt lạy như tế sao rồi kéo nhau chạy mất.
Thời gian sau, Bà thường hiện về xưng là Bà Chúa Xứ, dạy dân làng khiêng xuống núi lập miếu thờ cúng. Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Thấy vậy, dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng về thờ cúng. Nhưng lạ thay, dù mấy chục thanh niên trai tráng hò nhau gắng sức vẫn không lay chuyến nổi tượng Bà. Trong lúc mọi người đang rất thất vọng, có ý định bỏ dở thì một cô gái trong làng bỗng dưng lên đồng cho biết : "Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng". Dân làng làm theo lời dạy ấy và qủa đúng thật 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà đi xuống một cách nhẹ nhàng.
Bỗng nhiên khi đi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, không thể khiêng nổi thêm một bước nào nữa. Khi đó mọi người đã hiểu rằng, Bà đã chọn nơi đây để an vị nên đã không cố gắng di chuyển đi nữa mà lập miếu thờ cúng chỗ đó…
…Mặc dù đã trễ, đoàn chúng tôi cũng xin phép được Ban Trị sự vào hành lễ. Cậu Sáu vốn có năng khiếu ngoại giao. Mọi chuyện qua tay cậu là êm thắm vô cùng. Lúc này đang mùa vía Bà, người ta chen nhau bái tế, đến giờ đoàn tôi làm lễ mà vẫn còn nhiều người ôm heo vào cúng. Thiệt tình, nhìn cái cảnh người ta ùn ùn chen chúc nhau vào lễ bà trông chẳng khác gì cảnh mua vé xe ngày Tết. Từng con heo quay đỏ khé được đội vào làm lễ thật trang trọng. Trong khoảng một giờ, tôi đếm có trên mười con được bưng vào. Nghe nói, những người cúng heo đa phần đều là dân làm ăn, buôn chuyến hoặc dân đánh đề. Họ đến lễ bà cầu xin bà phù hộ cho những chuyến buôn của họ trót lọt, qua mặt được quản lí thị trường. Cũng có người đến vay lộc làm ăn, bây giờ đến lúc trả nợ và vay thêm lộc khác. Có người trúng số đề nên thuê hẳn một chiếc xe với dàn đồ lễ trang trọng đến tạ ơn. Lễ xong, họ đi về ngay trong đêm đó.Cứ như thế mà người ta nối đuôi nhau rồng rắn chờ đến lượt mình vào dâng lễ. Mấy con heo quay vừa đặt xuống, nhang chỉ vừa cắm vào chiếc lư khổng lồ phía trước điện thờ, người chưa kịp khấn xong thì bị xua đi cho kẻ khác vào dâng tiếp.
Tôi quay sang hỏi một dì thường đi núi chung đoàn:
- Dì nè! Họ cúng cả con heo bự chảng như vậy, lấy gì mà ăn hết ?
- Ít người ăn lắm con ơi.
- Vậy là sao vậy dì?
- Họ đem ra ngoài trước bán lại cho lò heo. Rồi lò heo đem vô hôm sau làm nóng lại đem bán tiếp cho mấy người khác.
- Trời đất! Một con heo đem cúng bà mấy bận luôn hả?
- Chứ sao! Bởi vậy, dì không bao giờ mua heo ở đây cúng. Muốn gì, mua sẵn rồi chở từ Sài Gòn xuống luôn.
Tôi bỗng chạnh lòng: “Tội thay, người ta vì tiền mà sẵn sàng lừa gạt lòng tin của kẻ khác. Họ lừa con người chứ làm sao mà lừa thần thánh cho được. Tại sao Bà Chúa Xứ linh hiển đến thế mà không trừng trị mấy tên lường gạt bất nhân ấy vậy kìa!”
Điều này cứ là tôi trăn trở mãi không đáp án. Về sau được gặp sư ông, tôi mạnh dạn bày tỏ:
- Thưa thầy (tôi vẫn thường gọi sư ông là thầy), bà Chúa Xứ là địa linh một cõi. Vậy tại sao bà không thưởng thiện phạt ác mà lại đi độ cho kẻ buôn lậu, làm ăn phi pháp hoặc những người cờ bạc, đánh đề là sao ạ? Còn mấy tên lừa gạt sống quanh đó nữa, sao bà không vật hết cho rồi để không còn kẻ nào dám buôn thần bán thánh nữa.
- Sao con biết do bà Chúa Xứ độ? – Sư ông cười hỏi lại.
- Dạ, con thấy họ đi tạ ơn đông ken luôn. Nếu không độ lấy gì họ giàu có mà mua heo cúng trả lễ chứ!
Sư ông nhìn tôi lắc đầu:
- Con nói trật lất rồi. Tất cả là do nhân quả hết.
- Nhân quả gì kì vậy thầy. Kẻ giàu làm ác tiếp tục giàu, người nghèo làm việc thiện càng gặp nhiều xui xẻo.
- Đó là do cái nhân đời trước còn lại họ chưa hưởng hết, còn cái quả đời này chưa đến lúc chín muồi. Nhân quả thường hằng, chẳng qua là sự chưa tới đó thôi.
- Thiệt tình là con rối quá thầy ơi!
- Tại con không tin nhân quả.
Bài học của sư ông đến già tôi mới hiểu phần nào.
Xin trở lại câu chuyện dang dở...
Một đêm ngủ lại ở miếu bà Chúa Xứ, tôi trằn trọc không ngủ được.
Cậu Sáu liên hệ cho đoàn chúng tôi ở trong một phòng lớn phía trái chánh điện. Thật tình là tôi không có cảm nhận được chút ân điển nào của bà Chúa Xứ. Từ lúc hành lễ cho đến lúc nghỉ ngơi, tôi chỉ thấy tràn ngập nhiều luồng điển tạp từ những người đi trong đoàn và các đoàn khác chung phòng. Khoảng mười giờ đêm, họ bắt đầu quây nhóm lại với nhau. Chỗ thì nói thơ, nói kệ. Chỗ thì xem bói, soi căn. Người khác thì ợ ngáp rồi nhảy múa ngả nghiêng quay cuồng trong tiếng vỗ tay cổ vũ của những người cùng hội.
Tôi cũng cố kéo chân ngồi tịnh. Nhưng ngột ngạt quá khiến tôi ngồi không yên, đành ngả lưng chợp mắt một chút. Văng vẳng nghe bên kia một giọng nữ cất lên lảnh lót như hát tuồng: “ Ta là Diêu Trì Kim Mẫu đây, các con có nghe không?”. Một người phụ nữ trạc sáu mươi nghe vậy liền cười ngất:
- Diêu Trì Kim mẫu hả? Hổng biết phải mẫu thiệt hôn. Để tui xin keo cái coi.
Nói xong, bà ta quay sang lấy đôi dép lào dấu dưới chiếu chắp lại rồi tung lên như người ta đang xin keo.
Đôi dép lật ngửa.
- Rồi, xin keo hổng phải. Mẫu này chắc là đồ giả - Bà ta la to.
Nhiều người cất tiếng cười phụ họa. Vài tiếng chửi bóng gió từ phía vòng tròn của người đàn bà xưng mẫu vang lên.
Chán ngắt. Tôi nằm quay mặt vào trong vách cố niệm Phật cho đến khi vào giấc ngủ chập chờn...
Sáng sớm, đoàn người vội vã ăn sáng rồi nhanh chóng lên đường. Tôi chỉ kịp mua một ổ bánh mì không đem lên gặm đỡ trên xe. Xe lăn bánh đưa đoàn hành hương chúng tôi thẳng tiến vào núi Cấm. Càng rời xa miếu Bà, cảnh vật càng hoang vắng, quạnh hiu. Nhưng, trong lòng tôi lại cảm thấy một niềm vui vô căn phát khởi. Cứ như là mình sắp được về nhà vậy...
Xe dừng lại ở bên ngoài. Đoàn chúng tôi phải đi bộ thêm một quãng vào chân núi. Đến nơi, tôi ngỡ ngàng đến lặng người... Con đường mòn lên núi giống y chang con đường tôi thấy trong mơ.
Bài viết liên quan:
Phần 1: Giấc mơ lạ
Phần 3: Vồ Thiên Tuế
Phần 4: Vồ Ong Bướm
Phần 5: Chùa Phật Lớn, Điện Mười Ba (Hay)
Phần 6: Thất Sơn Huyền Bí (Hay)
Phần 7: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
Phần 8: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
Phần 9: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
Phần cuối: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
0 nhận xét: