Tiếp tục lên đường, trèo qua mấy dải rừng, chúng tôi đến được Vồ Ong Bướm. Nhìn vồ đá nhô ra, ở đó đặt một bệ thờ khói nhang nghi ngút. Tôi tò mò hỏi cậu Sáu:
- Hồi xưa ở đây chắc ong bướm tụ về nhiều lắm sao mà người ta gọi là vồ Ong Bướm vậy cậu?
Cậu Sáu lắc đầu. Lúc ngồi nghỉ, cậu tranh thủ lấy trong túi đeo ra một bình thủy nhỏ, vừa rót nước trà nóng trong bình ra chiếc tách nhỏ mang theo, cậu vừa kể cho chúng tôi nghe sự tích vồ Ong Bướm.
Vào năm Quý Mão (1843), do sự xúi giục và hỗ trợ của Xiêm La, một đạo quân Chân Lạp do hai tướng là Vôi và Bướm chỉ huy sang cướp phá vùng Láng Cháy (An Giang) giết hại, cướp phá lương dân. Được tin cấp báo, lúc bấy giờ quản cơ Trần Văn Thành đang đóng quân ở phía nam núi Cô Tô lập tức mang quân đến dẹp.
Hôm ấy, trời đổ mưa như thác, nên từ Cô Tô đến Xà Tôn (Tri Tôn) đường trơn như đổ mỡ, thỉnh thoảng gồ ghề, binh sĩ phải trèo qua rất vất vả. Lúc đến Cây mè, thỉnh lình quân Chân Lạp ào ra chặn đánh rất dữ. Trong cơn nguy cấp, Trần Văn Thành tuyền lịnh thoái binh để xoay thế trận. Quân Chân Lạp tưởng thắng trận rượt nà theo liền bị một toán phục binh của ta bất ngờ chặn đánh. Không đường rút, quân Chân Lạp nhảy bừa xuống hào mà chạy, thừa thắng, quân ta hai mặt áp lại đánh rất hăng.
Xong quản cơ Thành thâu binh, rồi ra lịnh tiến gấp. Được tin phục binh mình bị phá tan, hai tướng Bướm, Vôi huy động toàn lực chờ nghinh chiến. Chiều hôm đó, hai bên đụng độ, trận chiến đụng độ suốt hai ngày đêm. Quân ta vì phần vì đường xa mệt mỏi, phần vì thức đêm, nên người nào cũng mệt và đói, mà tứ bề quân Chân Lạp vây chặt, không ngả nào rút lui.
Trước tình thế nguy kịch, Đức Quản cơ Trần Văn Thành liền chia quân ra làm ba đạo quyết phá vòng vây. Quân Chân Lạp la ó suốt hai ngày đêm. Qua sáng hôm thứ ba không thấy quân ta động tịnh, chúng tưởng đã bị tiêu diệt hết, nên tụ năm tụ bảy chè chén vui say, không màng đề phòng chi hết.
Bất thần quân ta phản công, quân Chân Lạp trở tay không kịp, lớp chết, lớp chạy tán loạn. Duy chỉ có cánh quân phía nam do hai thướng Bướm và Vôi trực tiếp chỉ huy còn chống cự, nhưng rất yếu ớt.
Quân ta vừa đánh mạnh, vừa bao vây, rồi cho một người biết tiếng Chân Lạp lên đồi cao dùng lời giải thích điều lợi hại mà khuyên dụ hai tướng Bướm và Vôi về hàng.
Trong thế cùng lực kiệt, lại nghe lời chiêu dụ hữu lý, nên Bướm và Vôi truyền cho binh sĩ vứt bỏ vũ khí, rồi đích thân đến trước mặt Đức Quản cơ xin thọ tội. Xong trận này, quân Chân Lạp ở các vùng lân cận cũng xin hàng. Riêng Bướm và Vôi thì xin quản cơ Thành cho về ẩn dật.
Sau đó, hai người lên tụ trên núi Cấm, chọn chỗ có vồ đá nhô ra làm nơi trú ngụ. Ít năm sau, hai người đắc đạo, có nhiều phép thần thông và thường hay chữa trị giúp người. Cả hai được những người Kh’mer trong vùng coi như hai vị Phật sống.
Và đây chính là nơi tu luyện của hai ông.
Nghe kể, trong lòng cảm khái. Người tu Phật có câu: "Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật", việc này chẳng phải là ứng dụng vào trường hợp của Ông Bướm, Ông Vôi sao. Người ta làm tướng giết người như rạ, vậy mà còn có thể tu hành đắc pháp. Còn mình, bao giờ mới đắc đây?
Tôi bước ra ghềnh đá, lặng lẽ thắp ba cây nhang thành tâm khấn vái. Một cảm giác bình an lan tỏa trong tâm hồn như làn khói nhang lan tỏa trong không gian se lạnh của núi rừng.
Video có nhắc đến các Vồ của Núi Cấm trong đó có nói đến Vồ Ong Bướm, hang Bác Vật Lang...do đài truyền hình Cần Thơ VTV thực hiện năm 2012.
Bài viết liên quan:
Phần 1: Giấc mơ lạ
Phần 2: Viếng Miếu Bà Chúa Xứ
Phần 3: Vồ Thiên Tuế
Phần 6: Thất Sơn Huyền Bí (Hay)
Phần 7: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
Phần 8: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
Phần 9: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
Phần cuối: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
0 nhận xét: