Tôi lặng lẽ dùng cơm trong ánh đèn dầu tù mù phía sau chùa. Mọi người ăn cơm từ sớm rồi. Cậu Sáu chừa lại cho tôi tô cơm và ít đồ ăn. Bữa cơm tối cũng đạm bạc như buổi trưa vậy: cơm nguội, cải mặn, canh chua rau rừng. Nhưng đối với tôi, nó ngon hơn bất kì sơn hào hải vị nào từng được thưởng trước đây. Có lẽ phần vì đói, phần vì vận động nhiều cả ngày nên cơ thể thanh niên như tôi sẵn sàng dung nạp mọi dưỡng chất. Cái không khí lành lạnh của buổi đêm cũng làm cho những chén cơm nóng trở nên ngon hơn.
Tiếng chuông mõ tụng kinh của một số Phật tử trong đoàn vang lên. Tôi vội vàng đem chén đũa đi rửa rồi đi nhanh ra chánh điện. Trong cái lạnh của núi rừng, trong làn khói nhang mơ ảo cùng sương núi, trong ánh đèn cầy lung linh tỏa sáng, tiếng tụng niệm ngân nga thâm trầm mà thanh thoát làm tôi cứ gai người. Một cảm giác thiêng liêng khó tả ngập tràn trong tâm trí. Tôi chắp tay hướng về Phật Tổ, hòa điệu cùng tiếng mõ:
“ Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiên văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa…”
Xong thời kinh, ai nấy sửa soạn chỗ ngủ. Lúc này tôi mới nghe phía ngoài gộp đá lớn những tiếng ngâm nga thi phú văng vẳng. Thì ra, trong khi ở trong đang tụng kinh thì một số người thuộc dạng phần căn cô căn cậu lại kéo nhau ra ngoài ngồi hát hò thi phú với nhau. Một dì Phật tử lắc đầu nói:
- Lúc mọi người mặc áo tràng chuẩn bị tụng kinh, họ ngồi tán chuyện với nhau. Tui nghe một bà nói lớn: “Mấy người tụng kinh, công quả chỉ là bậc hạ căn. Còn bậc thượng căn là công phu bên trong, không cần phải tỏ vẻ cho mọi người biết. Vì là thượng căn cho nên được bề trên về dạy đạo, không phải vô minh tụng kinh, làm công quả ở đợ cho mấy ông thầy chùa”, nghe mà tui tức ở trong lòng.
- Ừ, tui cũng không biết họ thượng căn ở chỗ nào – một dì khác tiếp lời – ai nấy lên núi ăn chay, họ mang theo heo quay, chả lụa, xôi mặn để dùng. Vậy mà họ còn nói: “Phật tại tâm, chay lòng hơn chay miệng. Không nên tu hình thức mà phải tu trong lòng”.
Một bà già phụ họa:
- Mấy người đó còn lấy chuyện Lục Tổ Huệ Năng ăn mặn với chuyện Tế Điên hòa thượng ăn thịt chó ra để làm bằng chứng tu hành nữa kia.
Cậu Sáu nghe vậy khuyên can:
- Thôi, chuyện của người, mấy cô đừng để vào lòng. Ai có con đường mấy mà. Ngày hội Long Hoa đến, con của Phật thì Phật rước, con của ma thì ma rước. Nói làm chi cho mang nghiệp miệng.
Nghe phải, mấy dì Phật tử im lặng thu dọn chỗ nghỉ đêm. Tôi cũng lựa một chỗ sát góc tường để nằm. Anh Huỳnh thấy vậy cũng xách chiếc chiếu lại nằm kế bên tôi. Từ hồi trưa đến giờ, sau vụ ở động Thủy Liêm, anh Huỳnh luôn tỏ thái độ nể phục tôi. Tôi làm gì anh cũng làm theo. Hồi nãy tụng kinh, mặc dù hổng thấy ảnh tụng tiếng nào, nhưng cũng riu ríu ngồi sau tôi xếp bằng chắp tay lim dim nghe kinh. Thấy anh như vậy tôi cũng bắt tức cười. Thôi, ảnh làm theo mình cũng tốt, có gì đâu mà lo nghĩ.
Trước khi nghỉ, tôi ngồi tréo chân tịnh một chút. Trước khi đi, thầy tôi dặn đi dặn lại là không được tác pháp hay luyện bất cứ phép gì trên núi. Chỉ được phép ngồi tịnh hoặc tụng kinh mà thôi. Lúc đầu tôi cũng thắc mắc nhiều lắm, người ta cầu được về núi để luyện, còn mình bây giờ có cơ hội về lại không được phép luyện, vậy là sao? Mãi đến khi gặp cậu Ba và nghe chuyện mấy vị đạo hữu bị “thử lửa” tôi mới hiểu thầy tôi kĩ lưỡng vô cùng.
Thấy tôi tịnh, anh Huỳnh cũng ngồi dậy tịnh theo. Chúng tôi ngồi thật lâu, tôi như chìm vào trong khoảng không an lạc gần như quên hẳn bên ngoài. Đến khi xả tịnh thì đôi chân tôi hầu như tê dại hoàn toàn. Phải xoa bóp, làm nóng một hồi lâu mới thấy đỡ. Anh Huỳnh cũng xả tịnh, không biết anh có cảm giác như tôi không mà ngồi cũng lâu dữ. Vừ ngả lưng xuống chiếu, tôi lập tức chìm ngay vào giấc ngủ…
… Có ai đó chạm khẽ vào chân, tôi giật mình mở mắt. Một ông đạo trạc tuổi tôi, gương mặt tròn, da rám nắng, mắt trong veo, miệng không cười mà nét mặt như cười. Anh ta mặc chiếc áo dài màu nâu đỏ, tóc cắt ngắn, đi chân không. Đang đứng ngay dưới chân tôi. Thấy tôi nhìn, huynh ấy ra dấu bảo tôi đi theo rồi quay lưng đi trước. Tôi chồm dậy chạy theo bóng ông đạo nhỏ khuất ngoài cửa.
Khung cảnh không gian ngoài chùa sáng nhờ nhợ giống buổi hoàng hôn tắt nắng. Cảnh vật cũng vậy nhưng tôi vẫn thấy là lạ. Ông đạo nhỏ đi chậm thôi, vậy mà tôi phải chạy hết tốc lực mới không bị mất dấu huynh ấy. Đi mãi không biết bao xa, chỉ nhớ là tôi đã vượt qua mấy con đường mòn, nhảy qua nhiều mỏm đá lớn mà không thấy mệt nhọc hay nặng nề gì cả, lúc ấy mới đến một vách núi dựng đứng không có lối đi. Không dừng lại, ông đạo xăm xăm thẳng tới rồi mất dạng. Tôi hoảng hốt chạy theo… vừa chạm vách núi, cảnh vật trước mắt liền thay đổi.
Tôi đang đứng trong một hang động khổng lồ. Đường hang dẫn vào xa tít tắp. Ngơ ngác, tôi đưa mắt nhìn quanh. Trần hang cao, hai bên vách hang có nhiều mỏm đá nhô ra. Trên mõm đã hình như là một cái động nhỏ. Tôi còn trân người đứng đó thì ông đạo nhỏ lại xuất hiện, huynh ấy ra dấu bảo tôi đi điếp. Theo chân ông đạo, tôi đi sâu vào trong, ánh sáng trong hang không biết từ đâu rọi tới mà cũng nhờ nhợ như ánh sáng bên ngoài núi, có điều ảm đạm hơn một chút… Tôi nhớ là hang động có nhiều tầng, mỗi tầng tôi phải leo lên chín bậc thang bằng đá cao vòi vọi. Thật tình lúc đó tôi không hiểu tại sao mình lại có thể leo lên được bậc đá cao như vách tường như thế. Chỉ biết vừa nhấc chân định bước là tôi đã thấy bậc đá trên năm ngay dưới bàn chân mình, chỉ cần đặt chân xuống rồi bước tiếp thôi.
Lên được tầng hang thứ ba thì tôi đã đứng trong một khoảng không gian rộng lớn. Nhiều tảng đá khổng lồ mọc lên như thạch trụ, cái cao nhất cũng gần chục mét, cái thấp cũng ba bốn mét. Trên đỉnh mỗi thạch trụ đều có người ngồi xếp bằng. Nhìn quanh, hai bên vách đá cũng có những tảng lồi ra thành thạch bàn, trên thạch bàn đó cũng có người ngồi an vị. Có chỗ, vách đá lõm khoảng 1m tạo thành hang, bên trong cũng có ai đó đang thiền định. Những vị ngồi trên đá đa phần đều lớn tuổi, trang phục khác nhau. Có vị đắp trọc đầu đắp y theo lối Nam Tông, có vị mặc áo tràng theo kiểu đại thừa, có vị mặc đồ nâu tóc búi cao râu dài bạc trắng như Phật Thầy Tây An, có người mặc áo dài trắng của Cao Đài, tóc ngắn, tóc búi, tóc xõa dài đủ kiểu…
Bài viết liên quan:
Bài viết liên quan:
Phần 1: Giấc mơ lạ
Phần 2: Viếng Miếu Bà Chúa Xứ
Phần 3: Vồ Thiên Tuế
Phần 4: Vồ Ong Bướm
Phần 6: Thất Sơn Huyền Bí (Hay)
Phần 8: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
Phần 9: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
Phần cuối: Núi Cấm Mầu Nhiệm (Hay)
0 nhận xét: